Dâng sao giải hạn có phải nghi lễ Phật giáo?

Dâng sao giải hạn có phải nghi lễ Phật giáo?

Dù rất nhiều người đến chùa xin dâng sao giải hạn mỗi dịp đầu năm, đây không phải là nghi lễ Phật giáo, nhà Phật cũng không cho là việc dâng sao giúp giải được hạn.

Những ngày tháng Giêng, nhiều ngôi chùa nổi tiếng đông nghẹt người. Trong số khách thập phương đến chùa, ngoài những người muốn du xuân còn có một lượng lớn những người đến làm lễ dâng sao giải hạn.

Việc các chùa nhận tổ chức dâng sao giải hạn tạo ra sự ngộ nhận rằng đây là một nghi lễ của Phật giáo, dựa theo giáo lý của Đức Phật. Sự thật không phải như vậy.

“Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật” – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội – từng khẳng định như vậy với VTC News.

Dâng sao giải hạn vốn là trong nghi lễ của Đạo giáo nhưng đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam, trở thành tín ngưỡng dân gian.

Tín ngưỡng này và nghi lễ của Phật giáo có điểm chung là mong cho con người được an lành, tránh điều xấu. Vì thế nhiều chùa nhận dâng sao giải hạn với ý nghĩa cầu an.

Dâng sao giải hạn vốn không phải là nghi lễ Phật giáo. (Ảnh: Đắc Huy)

Vậy cầu an thì liệu có được an? Trên báo Giác Ngộ, cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Tổ tư vấn Giác Ngộ cho biết: “Cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế là có người cầu an thì được an và có người cầu an không được an. Vì sao? Được an hay không an hoàn toàn tùy thuộc vào tiến trình nhân quả của mỗi người.

Nhân quả nói đủ phải là nhân-duyên-quả. Từ nhân đến quả có sự chi phối mãnh liệt của duyên. Nhân thuộc về quá khứ (đã tạo), quả thuộc về tương lai (đang và sẽ đến), duyên chính là những gì chúng ta đang làm trong hiện tại.

Cần nhớ là duyên hoàn toàn có tính chủ động, tùy vào tác tạo của chúng ta trong hiện tại thiện hoặc bất thiện mà ảnh hưởng tương ứng đến quả trong tương lai.

Nếu duyên lành trong hiện tại (cầu an, tạo phước) đủ lớn mạnh thì sẽ chi phối tích cực đến quả, quả sẽ trổ ra thiện lành.

Cụ thể là những quả xấu sắp hình thành sẽ được chuyển hóa; việc xấu lớn thành xấu nhỏ, việc xấu nhỏ sẽ thành không. Những ai cầu an, tạo phước nằm trong trường hợp này thì chắc chắn được an.

Nếu duyên lành trong hiện tại (cầu an, tạo phước) chưa đủ lớn mạnh để chi phối tích cực đến quả, làm lệch hướng những quả xấu thì sẽ không được an”.

admin